Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước (bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chi-lê, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, mức cam kết mở cửa mạnh và có phạm vi cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, quy tắc và thể chế, CPTPP dự kiến có tác động lớn tới hầu như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Bài viết là bản tóm tắt của cuốn Sổ tay doanh nghiệp “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Ngành Rau quả Việt Nam” nằm trong Tuyển tập 10 Sổ tay doanh nghiệp do Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả CPTPP” của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Sổ tay tóm tắt và diễn giải các cam kết CPTPP trong lĩnh vực rau quả, đánh giá các tác động dự kiến của các cam kết này đối với triển vọng phát triển của ngành và đưa ra các khuyến nghị cơ bản để doanh nghiệp trong ngành có thể tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức từ Hiệp định quan trọng này.
1. CÁC CAM KẾT CPTPP LIÊN QUAN TỚI NGÀNH RAU QUẢ VIỆT NAM
1.1. Các cam kết về thuế nhập khẩu
Đối với các sản phẩm hàng hóa như rau quả, cam kết quan trọng nhất trong các FTA là cam kết của mỗi nước Thành viên về thuế quan áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ nước Thành viên khác.
Về mức cam kết, trong CPTPP, các nước Thành viên đưa ra cam kết cắt giảm thuế quan khá mạnh đối với nhóm rau quả:
- Xóa bỏ thuế quan ngay khi CPTPP có hiệu lực với phần lớn các dòng thuế quan đối với rau quả tươi, sơ chế hay đã qua chế biến được xóa bỏ ngay sau khi CPTPP có hiệu lực
- Cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình với một số sản phẩm rau quả nhất định (từ 1-2 năm đến 16 năm tùy loại, tùy nước)
- Không cam kết cắt giảm thuế đối với một số ít sản phẩm rau quả (đều thuộc biểu cam kết của Nhật Bản)
1.1.1. Các nước CPTPP cam kết cắt giảm, loại bỏ thuế quan đối với rau quả Việt Nam như thế nào?
Trong Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Hệ thống HS), các sản phẩm rau tươi và sơ chế nằm trong Chương 07, các sản phẩm quả tươi và sơ chế nằm trong Chương 08, còn các sản phẩm rau quả đã qua chế biến thuộc Chương 20.
- Đối với các thị trường Australia, New Zealand, Chile, Brunei, Malaysia, Singapore: CPTPP hầu như không tạo thêm lợi thế về thuế quan, do các nước này gần như đã xóa bỏ thuế quan với tất cả các dòng thuế rau quả theo các FTA song phương/ đa phương mà các nước này đã ký với Việt Nam (trong đó Brunei và Malaysia chưa phê chuẩn CPTPP nên các cam kết thuế quan của 2 nước này chưa có hiệu lực).
- Đối với các thị trường Canada, Peru: CPTPP mang đến cho rau quả Việt Nam lợi thế nhất định về thuế quan nhưng không quá lớn, do mức thuế MFN mà 2 nước này hiện đang áp dụng cho rau quả Việt Nam tương đối thấp (trong đó Peru chưa phê chuẩn CPTPP nên các cam kết thuế quan của Peru chưa có hiệu lực).
- Đối với thị trường Mexico: CPTPP được đánh giá là mang lại lợi ích thuế quan đáng kể cho rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, do giữa Việt Nam và Mexico chưa có FTA chung nào, và mức thuế MFN mà Mexico đang áp dụng đối với các sản phẩm rau quả nhập khẩu là khá cao.
- Đối với thị trường Nhật Bản: Nhật Bản là nước thành viên có cam kết phức tạp nhất đối với các sản phẩm rau quả trong CPTPP. Về tổng thể, mức cam kết thuế quan của Nhật Bản đối với các sản phẩm rau quả trong CPTPP cao hơn so với FTA chung giữa 2 nước là VJEPA (Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản).
1.1.2. Việt Nam cam kết cắt giảm, loại bỏ thuế quan đối với rau quả nhập khẩu từ các nước CPTPP như thế nào?
So với các nước CPTPP, Việt Nam có mức cam kết về thuế quan đối với rau quả nhập khẩu từ các nước CPTPP tương đối hạn chế. Nhìn chung, CPTPP sẽ không làm thay đổi đột ngột thuế nhập khẩu đối với rau quả từ các nước CPTPP vào Việt Nam. Và thị trường rau quả của Việt Nam cũng sẽ chỉ được mở dần dần.
Lưu ý: Các cam kết về thuế quan của Việt Nam cho các đối tác trong CPTPP chỉ có hiệu lực đối với các đối tác đã phê chuẩn CPTPP, chưa có hiệu lực với các đối tác chưa phê chuẩn.
1.1.3. Lộ trình cắt giảm thuế quan thực tế đối với các nước Thành viên đã phê chuẩn CPTPP?
1.2. Các cam kết khác trong CPTPP có ảnh hưởng đáng kể tới ngành rau quả
1.2.1. Cam kết CPTPP về Quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm rau quả?
Để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP, các sản phẩm rau quả của Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ (QTXX) của Hiệp định.
Mục đích của quy tắc xuất xứ là để đảm bảo hàng hóa phải được sản xuất chủ yếu trong khu vực CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định:
- Đối với các sản phẩm rau quả tươi hoặc sơ chế của Việt Nam (với thành phần chính là rau quả tươi được trồng tại Việt Nam, các nguyên liệu khác như bao bì đóng gói, một số chất phụ gia, chất bảo quản nếu có xuất xứ từ ngoài khu vực CPTPP giá trị cũng không đáng kể): Khả năng đáp ứng QTXX của CPTPP tương đối cao
- Đối với các sản phẩm rau quả chế biến (với nhiều nguyên liệu khác nhau ngoài rau quả như muối, đường, hương liệu, gia vị… nhập khẩu): Khả năng đáp ứng được QTXX của CPTPP khó hơn
Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, cam kết chung của CPTPP là tự chứng nhận xuất xứ (nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu tự phát hành giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu liên quan). Tuy nhiên CPTPP chấp nhận một số ngoại lệ và bảo lưu đối với thủ tục tự chứng nhận xuất xứ này.
1.2.2. Cam kết CPTPP về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)?
Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) là tất cả các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh mà nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong thực tế, cùng với thuế quan, SPS là nhóm biện pháp ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong tổng thể các nước CPTPP sẽ tiếp tục giữ quyền chủ động trong việc ban hành và áp dụng các biện pháp SPS. CPTPP sẽ không làm gia tăng hay giảm bớt các yêu cầu về SPS của nước nhập khẩu đối với nông sản nhập khẩu.
1.2.3. Cam kết CPTPP về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)?
Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. Các biện pháp TBT ảnh hưởng tới rau quả tương tự như các sản phẩm khác (ví dụ về các hóa chất sử dụng trong rau quả chế biến, thông tin ghi nhãn sản phẩm rau quả…).
Chương TBT của CPTPP chủ yếu nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc WTO về TBT (các nước có quyền ban hành TBT nhưng phải dựa trên các căn cứ khoa học xác đáng, khi soạn thảo phải lấy ý kiến bình luận, khi áp dụng phải công bằng không phân biệt đối xử …) và bổ sung thêm một số chi tiết liên quan tới các yêu cầu về minh bạch trong WTO.
1.2.4. Cam kết CPTPP về Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại?
Chương Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại của CPTPP bao gồm các cam kết về nghĩa vụ của các nước Thành viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Liên quan tới xuất nhập khẩu rau quả, CPTPP có một số cam kết đáng chú ý sau:
- Cam kết về minh bạch, trong đó có nghĩa vụ xây dựng và duy trì các điểm hỏi đáp để các doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ và hỏi về các quy định và thủ tục hải quan đối với sản phẩm của mình
- Cam kết cho phép nhà xuất khẩu trước khi xuất hàng có thể yêu cầu xác định trước về mã số hàng hóa, thuế quan áp dụng, xuất xứ hàng hóa…
- Cam kết cho phép giải phóng hàng trên cơ sở một khoản tiền bảo lãnh (để hạn chế các trường hợp chậm trễ giải phóng hàng do cơ quan hải quan chưa đưa ra được quyết định về mức thuế phí phải nộp). Đây là cam kết có ý nghĩa đối với các hàng hóa nhanh hỏng như rau quả.
1.2.5. Cam kết CPTPP về Sở hữu trí tuệ (SHTT)?
CPTPP là một Hiệp định có tiêu chuẩn rất cao về SHTT. Đối với ngành rau quả, các cam kết CPTPP về SHTT có liên quan trực tiếp là bảo hộ chỉ dẫn địa lý và độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm.
2. CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ KHUYẾN NGHỊ VỚI NGÀNH RAU QUẢ VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP CPTPP
2.1. Tình hình xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam?
Hiện tại, Việt Nam đang xuất siêu rau quả nhưng tốc độ tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu rau quả lại tăng nhanh hơn kim ngạch xuất khẩu. Còn với thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước CPTPP, hiện kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng không lớn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, cụ thể xuất khẩu chiếm khoảng 7% và nhập khẩu chiếm khoảng 2.54%.
2.2. Cơ hội từ CPTPP cho ngành rau quả Việt Nam?
Cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu CPTPP
Các cam kết cắt giảm thuế quan mạnh của các đối tác CPTPP đối với rau quả sẽ giúp các sản phẩm rau quả xuất khẩu Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường này. Trong đó Nhật Bản là nước thành viên CPTPP nhập khẩu nhiều nhất rau quả Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Hơn nữa, Nhật Bản lại có thêm nhiều cam kết cắt giảm thuế quan đối với rau quả trong CPTPP cao hơn so với các FTA đã có trước đây với Việt Nam (VJCEP và VJEPA). Do đó, đây có thể coi là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho xuất khẩu rau quả Việt Nam trong thời gian tới.
Cơ hội từ môi trường kinh doanh được cải thiện
CPTPP cùng với các cam kết về quy tắc, thể chế, đặc biệt là trong các thủ tục xuất nhập khẩu và môi trường kinh doanh sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, những cải cách về thể chế dưới sức ép, đòi hỏi từ CPTPP cũng tạo điều kiện thu hút thêm đầu tư trong nước và nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng.
Cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ
Ngành rau quả là một ngành thâm dụng lao động. Nhóm lao động chủ yếu của ngành rau quả phần lớn là lao động nông thôn, nhất là lao động nữ. Do đó, việc tăng cường cơ hội xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các nước CPTPP cũng là tăng cường cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động trong khu vực này.
2.3. Thách thức từ CPTPP đối với ngành rau quả Việt Nam?
Bên cạnh cơ hội tiếp cận thị trường các nước CPTPP, ngành rau quả Việt Nam cũng gặp thách thức từ việc Việt Nam phải mở cửa thị trường rau quả cho các đối tác CPTPP.
Thách thức từ việc cắt giảm thuế quan theo CPTPP: Các nước thành viên CPTPP sẽ có cơ hội lớn khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Việt Nam, dẫn tới sự cạnh tranh giữa rau quả nội địa và rau quả nhập khẩu
Thách thức từ đối thủ cạnh tranh mạnh trong CPTPP: Trong CPTPP, Mexico, Canada, Australia và Chile là những nước có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu rau quả. Hơn nữa, Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưa chuộng một số loại rau quả nhập khẩu, đặc biệt từ các thị trường có uy tín về an toàn thực phẩm (ví dụ Canada, Australia)
2.4. Ngành Rau quả Việt Nam làm thế nào để tận dụng các cơ hội từ CPTPP?
CPTPP có nhiều cam kết có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng các nội dung liên quan của CPTPP để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định:
- Tìm hiểu cam kết thuế quan của từng nước thành viên CPTPP trong Phụ lục 2-D thuộc Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định. Ngoài ra, cần chú ý rằng với nhiều thị trường, Việt Nam đã có một hoặc một số FTA khác ngoài CPTPP. Do đó bên cạnh CPTPP, doanh nghiệp cần tìm hiểu cả các cam kết thuế quan trong các FTA khác liên quan để lựa chọn FTA có lợi nhất về thuế quan cho mình (cùng với điều kiện về xuất xứ thích hợp nhất).
- Tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP trong Chương 3 – Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ của Hiệp định.
- Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (Chương 5), Phòng vệ thương mại (Chương 6), Các biện pháp SPS (Chương 7), TBT (Chương 8).
2.5. Giải pháp để ngành rau quả Việt Nam vượt qua các thách thức từ CPTPP?
Giải pháp đối với xuất khẩu
Các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần:
- Tìm hiểu chi tiết và cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nội địa của thị trường nhập khẩu và bảo đảm tuân thủ đầy đủ
- Nghiên cứu thị trường, đặc biệt là các thị trường ngách, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng
- Tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối rau quả ở từng thị trường
- Nghiên cứu, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm rau quả Việt Nam
Giải pháp chung về năng lực cạnh tranh
Tăng cường năng lực cạnh tranh là giải pháp bền vững để ngành rau quả Việt Nam có thể phát triển ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Để làm được việc này, ngành rau quả cần đặc biệt chú ý một số giải pháp sau:
- Bảo đảm an toàn thực phẩm
- Nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu mã, thương hiệu… của sản phẩm
- Đầu tư cho cải tiến kỹ thuật, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất và chế biến rau quả (thông qua liên doanh, liên kết với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; nâng cấp, mua lại các quy trình và công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại…). Trong số các thành viên CPTPP, Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand là các nước có ngành nông nghiệp hiện đại và phát triển, Việt Nam có thể học hỏi từ các nước này.
Giải pháp về chính sách
Nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng là ngành nhạy cảm, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này có vai trò quan trọng. Vì vậy ngành rau quả cần chú ý các khía cạnh chính sách thích hợp để bảo đảm lợi ích của mình tại thị trường trong nước và nước ngoài:
- Ở thị trường nước ngoài: Vận động các cơ quan chức năng của Việt Nam để (i) có những hỗ trợ thiết thực cho ngành rau quả xuất khẩu như thông tin thị trường, kết nối với các nhà nhập khẩu tiềm năng; (ii) làm việc với các nước CPTPP để được cấp phép nhập khẩu với các sản phẩm rau quả yêu cầu phải được cấp phép…
- Ở thị trường trong nước: (i) Nhận diện các hiện tượng rau quả nhập khẩu bán phá giá, rau quả được trợ cấp bởi chính phủ nước nhập khẩu…và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) phù hợp với WTO và CPTPP để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình; (ii) Đề xuất các biện pháp SPS, TBT thích hợp để ngăn chặn các sản phẩm rau quả kém chất lượng nhập khẩu cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp Việt Nam.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn thêm theo thông tin dưới đây:
CÔNG TY TNHH EIMSKIP VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 36 Bùi Thị Xuân, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Hotline: 028 6264 63 80
Email: info@eimskip.vn