Chuỗi Cung Ứng Bán Lẻ Đánh Cược Vào Thương Mại Điện Tử

Đối với các nhà bán lẻ, thương mại điện tử – và ảnh hưởng của nó đến quản trị chuỗi cung ứng – không còn là chuyện may rủi nữa; đó là điều chắc chắn. Đây là cách mà các nhà bán lẻ thành công đã làm được mặc dù thành công trên kênh thương mại điện tử không phải là điều dễ dàng.

Vào cuối tháng 2 năm 2017, tập đoàn bán lẻ Target Corporation tuyên bố đầu tư 7 tỷ USD vốn trong ba năm tới, cùng với 1 tỷ USD lợi nhuận hàng năm bắt đầu từ năm 2017, để tăng doanh thu và chiếm lĩnh thị phần. Theo ông Brian Cornell, Giám đốc điều hành của tập đoàn này, để đạt được những mục tiêu này, nhà bán lẻ sẽ phải “đặt thương mại điện tử lên hàng đầu”. Ông cũng chia sẻ rằng, tập đoàn có kế hoạch tân trang các cửa hàng, kênh thương mại điện tử, và chuỗi cung ứng để “tạo thành một mạng lưới thông minh”.

Ví dụ, nhà kho của các cửa hàng Target sẽ không đơn giản chỉ là kho chứa sản phẩm trước khi lên kệ. Cornell nói rằng, đến năm 2019, tất cả các nhà kho sẽ “thành các trung tâm phân phối địa phương (hyperlocal distribution centers)”, để Target giao hàng cho khách địa phương từ các trung tâm phân phối này.

Kế hoạch của Target là một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của thương mại điện tử lên chuỗi cung ứng. Tuy ảnh hưởng này hầu như chỉ thể hiện rõ rệt ở các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, nhưng nó cũng thể hiện rõ ở các doanh nghiệp B2B. Ông Curtis Barry, Chủ tịch của F. Curtis Barry & Company, công ty tư vấn kho bãi ở Henrico, Virginia nói rằng, “Khái niệm tồn kho trước đây chỉ đơn giản là một hệ thống nhà kho”, “Bây giờ tồn kho là một kênh tiếp cận trực tiếp với khách hàng”.

Kênh thương mại điện tử Amazon là một trong những lý do của việc ứng dụng thương mại điện tử vào chuỗi cung ứng. Ông Tom Craig, Chủ tịch của LTD Management, công ty chuyên tư vấn chuỗi cung ứng ở Allentown, Pennsylvania nói rằng, “Amazon đang chuyển đổi cách quản trị chuỗi cung ứng”. “Nhờ Amazon, chúng ta đang bước qua giai đoạn đầu của cuộc cách mạng chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Khả năng cung cấp và phân phối các đơn đặt hàng của Amazon sở dĩ được nhanh chóng như thế là nhờ vào việc sử dụng công nghệ và hệ thống kho bãi – tính đến tháng 12 năm 2015, Amazon sở hữu và thuê hơn 120 triệu feet vuông chứa hàng, xử lý dữ liệu và các trung tâm khác – và thậm chí Amazon còn có ý định thuê máy bay, tất cả đang tác động lên chuỗi cung ứng của kênh thương mại điện tử này. Craig nhấn mạnh rằng, “Amazon là doanh nghiệp dẫn đầu, các doanh nghiệp khác là doanh nghiệp đi theo xu hướng”.

Những thay đổi hiện tại đang dần trở nên rõ rệt hơn. Công ty eMarketer dự đoán, doanh thu bán lẻ kênh thương mại điện tử trên toàn cầu sẽ nhảy vọt từ 1.9 nghìn tỷ USD năm 2016 lên đến hơn 4 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Đến lúc đó, thương mại điện tử ngành bán lẻ sẽ chiếm 14.6% tổng chi tiêu bán lẻ.

Sự gia tăng của thương mại điện tử ảnh hưởng đến quản trị chuỗi cung ứng một cách đáng kể. Barry nói rằng, đối với những người mới bắt đầu, các đơn đặt hàng qua kênh thương mại điện tử của người tiêu dùng thường không quá ba mặt hàng. Ngược lại, đơn đặt hàng từ một cửa hàng bán lẻ có thể bao gồm nhiều thùng, nhiều sản phẩm.

Theo ông Jason Tham, Giám đốc điều hành của Nulogy, công ty phát triển phần mềm cung cấp các giải pháp từ A đến Z trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có trụ sở tại Toronto, Ontario, chính điều này đã dấy lên “sự đối lập giữa tính linh hoạt và sự chuẩn hóa”. Ông cũng lưu ý rằng, các dòng sản phẩm có sản lượng lớn, với vòng đời sử dụng dài và ít thay đổi, có thể sản xuất các SKU chuẩn, mặc dù sản xuất như vậy thì ít linh hoạt hơn khi có những thay đổi vào phút chót.

Chiếm Nhiều Không Gian

Việc thực hiện nhiều giao dịch thương mại điện tử nhỏ khác nhau có xu hướng tốn nhiều thời gian và lực lượng lao động. Việc đảm bảo số lượng nhiều đơn đặt hàng như vậy thường đòi hỏi một không gian riêng biệt trong trung tâm phân phối dành riêng cho việc xử lý các đơn đặt hàng nhỏ, hoặc, nếu bảo đảm được khối lượng đơn hàng, thì cần một trung tâm phân phối tách biệt.

Các nhà sản xuất bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng qua các trang thương mại điện tử thường có đối tác giúp họ quản lý những đơn đặt hàng này. Ví dụ, tại công ty chăm sóc sức khỏe Cooper Healthy Living, khoảng một nửa doanh thu của họ đến từ các đối tác bán lẻ, khoảng 40% là bán hàng trực tuyến, và khoảng 10% là từ các đơn hàng qua điện thoại. Công ty thường vận chuyển từ 1.600 đến 1.700 đơn đặt hàng mỗi tháng, theo Jill Turner, Chủ tịch và cũng là người giám sát dòng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng Cooper Complete của công ty.

Trước khi Turner gia nhập công ty vào năm 2003, Cooper đã hợp tác với một công ty kho bãi để xử lý các đơn đặt hàng.

Cô ấy nói rằng, “có rất nhiều vấn đề đã phát sinh từ sự hợp tác này”. Nguyên nhân là gì? Cooper đã xuất các đơn đặt hàng trên web của mình tới một trang FTP để công ty kho bãi này tải xuống và xử lý. Tuy nhiên, công ty kho bãi này thường không thể xem được đơn đặt hàng, điều này đã làm cho khách hàng không hài lòng và mất đi doanh thu.

Cooper Complete hiện đang làm việc với Speed ​​Commerce, một nhà cung cấp các giải pháp đa kênh có trụ sở tại Dallas giúp điều hành việc kinh doanh qua thương mại điện tử. Speed Commerce quản lý tồn kho của Cooper trong một nhà kho kiểm soát nhiệt độ ở Dallas, kiêm đóng gói và vận chuyển các đơn đặt hàng. Các đơn hàng được đặt trước 12 giờ trưa ngày làm việc sẽ được chuyển đi cùng ngày.

Điều quan trọng là, Turner cũng có quyền truy cập vào hệ thống thông tin của Speed ​​Commerce. Turner nói rằng, “Tôi có thể đọc được số liệu bất cứ lúc nào tôi muốn”. Cô ấy có thể xem lại số lượng đơn đặt hàng nhận được và số lượng đơn được vận chuyển đi mỗi ngày, các mặt hàng trong mỗi đơn đặt hàng và doanh thu cùng với các dữ liệu khác.

Một trong những bí quyết thành công của Speed Commerce là việc ký hợp đồng với một hãng vận tải lớn. Turner nói: “Chi phí mà họ vận chuyển một đơn vị hàng hóa thấp hơn phân nửa chi phí nếu công ty chúng tôi tự vận chuyển. Nhiều đơn hàng được vận chuyển qua SmartPost; 85% đơn hàng được giao trong vòng hai ngày. Ở SmartPost, người giao hàng giao mỗi đơn hàng đến bưu điện có mã ZIP là nơi đến cuối cùng của đơn hàng đó. Dịch vụ Bưu điện ở Mỹ sẽ giao hàng từ bưu điện đến tận tay khách hàng. Turner nói: “Tiết kiệm chi phí vận chuyển là một cách để chúng tôi hạn chế tăng giá, và để cung cấp giá trị tốt hơn.”

Giảm Thiểu Chi Phí

Chi phí vận chuyển là một thách thức khá lớn trong nhiều giao dịch thương mại điện tử. Chi phí vận chuyển ngoài nước có thể cao hơn tổng những chi phí khác, bao gồm chi phí quản lý, thuê lao động, cơ sở hạ tầng và các chi phí khác.

Troy Graham, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của tập đoàn Descartes Systems Group ở Waterloo, Canada, công ty chuyên cung cấp các giải pháp logistics chuyên sâu, cho biết trước đây, một số công ty đã sử dụng phí vận chuyển để bù đắp vào các chi phí khác. Tuy nhiên, các công ty ngày nay có ít khả năng làm được điều này khi mà người tiêu dùng ngày càng trở nên đòi hỏi nhiều hơn, ông nói.

Thay vào đó, các công ty cần hạn chế bất kỳ chi phí nào vượt quá chi phí vận chuyển của mình. Cách đây vài năm, các công ty có thể cắt giảm ít nhất là một vài đô la từ chi phí vận chuyển của một kiện hàng. Bây giờ, họ cắt giảm được khoảng 20 hoặc 30 xu từ chi phí vận chuyển cho một kiện hàng nhỏ.

Những nỗ lực giảm thiểu chi phí vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành đơn hàng nhanh chóng đang ảnh hưởng đến quy mô và vị trí của nhà kho, các trung tâm xử lý đơn hàng và trung tâm phân phối cuối cùng. Các “dặm cuối cùng”, mà cũng có thể là vài trăm dặm, là phân khúc vận chuyển tốn kém, phức tạp, và tắc nghẽn xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng cho các nhà bán lẻ và các công ty thương mại điện tử khác, theo Ed Mendence, Phó chủ tịch và là Giám đốc cấp cao của Nhóm nghiên cứu và phát triển công nghiệp phía Bắc California cùng với công ty bất động sản Transwestern.

Các nhà bán lẻ cần phải tận dụng các trung tâm phân phối cuối cùng gần các trung tâm đô thị “để cạnh tranh hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí và thời gian giao hàng, và đáng tin cậy hơn khi giao các kiện hàng nhỏ và đơn lẻ”, ông nói.

Sự Mong Đợi Thay Đổi

Sự tăng trưởng của thương mại điện tử đang làm tăng sự mong đợi của khách hàng. Họ muốn có nhiều sự lựa chọn hơn, giao hàng nhanh hơn, được cập nhật trạng thái đơn hàng và quy trình trả hàng không phức tạp, và miễn phí. Ông Spencer Moore, Phó giám đốc điều hành của Speed ​​Commerce, lấy mình ra làm ví dụ: Ông đã đặt hàng hầu như tất cả các món quà Giáng sinh của mình qua Amazon Prime, và được hoàn lại khoảng 15 phần trăm giá trị đơn hàng, mà không phải trả thêm bất cứ chi phí nào.

Hơn nữa, không chỉ những người mua một đôi giày mới hay cuốn sách bán chạy mới tăng sự kỳ vọng này. “Các doanh nhân yêu cầu sản phẩm từ nhà cung cấp của họ phải có tư duy như mô hình phân phối của Amazon,” Graham nói.

Cách đây 5 năm, một nhà cung cấp có thể báo cho khách hàng biết sẽ không nhập tiếp một sản phẩm nào đó trong một tháng tới. Thời nay, một người cần thay thế một phần máy móc bị hỏng có thể sẽ đặt hàng từ nhà máy thông qua ứng dụng di động và sẽ mong đợi được giao hàng trong vài giờ, hoặc chậm nhất là trong vài ngày. “Những khách hàng từng kiên nhẫn chờ đợi được trong quá khứ thì bây giờ họ càng mong đợi nhiều hơn,” Graham nói.

Công ty tư vấn của Barry đã thấy các khách hàng B2B của mình mở các trung tâm phân phối bổ sung để phục vụ khách hàng nhanh hơn. Sự thay đổi không có tác động rõ rệt đối với người tiêu dùng, nhưng nó cũng rất đáng chú ý, ông nói thêm.

Sự tăng trưởng của thương mại điện tử cũng làm giảm bớt mối quan hệ giữa các nhà bán lẻ và nhà cung cấp. Ví dụ như: Các nhà bán lẻ yêu cầu nhiều nhà cung cấp giữ và giao các đơn hàng qua kênh thương mại điện tử, theo Jeremy Hanks, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Dsco, một nền tảng tích hợp tạo ra chuỗi cung ứng nối mạng. Việc này giúp các nhà bán lẻ cung cấp được nhiều loại sản phẩm hơn – đôi khi gọi là “lối đi vô tận” – mà không cần phải mang đi bán với số lượng ít nữa.

Chẳng hạn, một nhà sản xuất giày sẽ giữ hàng với kích cỡ rất nhỏ hoặc rất lớn và sau đó giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng khi chúng được đặt hàng qua các trang web của nhà bán lẻ. Nhà bán lẻ hoàn toàn không đảm nhận việc giao hàng các sản phẩm này, Hanks nói.

Việc thực hiện thành công sự chuyển đổi này đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ và nhà cung cấp. “Đó là cách khác khi nói về mối quan hệ”, Hanks nói. Cả nhà bán lẻ và nhà cung cấp đều cần tầm nhìn về đơn đặt hàng và mức tồn kho để họ biết sản phẩm nào đang còn hàng, và chúng đang ở đâu. Trong chuỗi cung ứng B2B truyền thống, nhà sản xuất có thể cập nhật tồn kho cho các đối tác bán lẻ của mình mỗi tuần một lần. Các nhà sản xuất giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thường xuyên cập nhật tồn kho cho nhà bán lẻ mỗi 15 phút một lần, Hanks lưu ý.

Thông báo của Target cho thấy, thương mại điện tử cũng đang loại bỏ sự phân biệt giữa các điểm bán lẻ và các trung tâm phân phối. Graham tiên đoán là, “Chúng sẽ kết hợp với nhau”. Ví dụ, một công ty có thể giao đơn hàng thương mại điện tử từ một cửa hàng bán lẻ gần khách hàng cuối cùng hơn thay vì giao từ trung tâm phân phối của công ty.

Việc chuyển đổi các chức năng của một nhà kho thành một điểm bán lẻ có thể là thách thức. Graham nhớ lại thời gian khi ông làm việc cho một hiệu sách lớn ở trường đại học, nơi những nhân viên – chủ yếu là những sinh viên không nhìn thấy tiềm năng nghề nghiệp ở vị trí của mình – đã phải phân biệt giữa hàng chục sản phẩm tương tự nhau trong khi đang cố gắng xử lý đơn hàng một chiếc áo choàng màu xám. Giải pháp là gì? Đó là công nghệ mã vạch, Graham nói.

Theo thời gian, số lượng các cửa hàng sẽ giảm, và “thương mại điện tử sẽ trở thành chuỗi cung ứng chủ đạo,” Craig tiên đoán. Ngược lại, nhiều nhà kho sẽ tăng kích thước để dành ra các khoảng không gian trống cho việc xử lý các đơn hàng thương mại điện tử.

Con Tàu Công Nghệ

Tự động hóa đã trở thành chìa khóa thành công của chuỗi cung ứng tại công ty Lionel LLC, được thành lập trên cơ sở là công ty Lionel Trains và Lionel Racing, được cấp phép chính thức bởi NASCAR và NHRA, chuyên tổ chức các cuộc đua xe trên chặng đường cực ngắn. Vào năm 2012, công ty đã củng cố các hoạt động đào tạo và hoạt động của NASCAR từ nhiều cơ sở trên toàn vùng Trung Tây đến một cơ sở ở Bắc Carolina.

CIO Rick Gemereth, cũng là người giám sát chuỗi cung ứng của công ty, nói rằng, “Chúng tôi muốn có nền tảng công nghệ tương tự, cải tiến vận hành và giảm thiểu chi phí.”

Khi sự hợp nhất này hoàn thành, mức tồn kho ở Bắc Carolina sẽ tăng gấp bốn lần và khả năng vận chuyển tăng gấp ba lần. Tuy nhiên, quá trình vận hành vẫn cần duy trì kiểm soát hàng tồn kho phù hợp, và vận chuyển chính xác và kịp thời đến khách hàng qua nhiều kênh bán hàng, bao gồm thương mại điện tử, đại lý bán lẻ, thương nhân và đại lý bán buôn, và người tiêu dùng cuối cùng.

Quy trình thực hiện trước đây của Lionel là thủ công và lưu trên giấy. Mỗi buổi sáng, đội ngũ vận hành kho bãi sẽ in các chồng thẻ với hướng dẫn mặt hàng nào trong kho sẽ được chuyển đi vào ngày hôm đó. Nhân viên phải kiểm tra vị trí của hàng hóa, đi đến kệ và lấy hàng ra khỏi kệ, đưa hàng hóa đến khu vực chờ vận chuyển và ghi chép lại hoạt động xuất nhập trong kho bằng thủ công.

Gemereth và đội ngũ của ông đã giới thiệu đưa công nghệ quét mã vạch vào quy trình này. Bây giờ, thay vì in thẻ, đơn đặt hàng được gửi tới các máy quét mã vạch của nhân viên vận hành kho bằng điện tử, trực tiếp đưa họ đến vị trí của hàng hóa để lấy hàng. Khi họ lấy hàng ra khỏi kệ, công nghệ này sẽ tự động trừ đi số lượng các mặt hàng đã lấy ra khỏi tồn kho. Gemereth nói rằng, Lionel đã tiết kiệm được 22 giờ kể từ thời điểm bắt đầu xử lý đơn hàng và tăng tính chính xác của các đơn đặt hàng đối với kênh bán sỉ.

Lionel cũng thay thế giải pháp phần mềm kế thừa với Descartes OzLink for NetSuite, một giải pháp dựa trên đám mây. Vì OzLink tích hợp các chủ hàng với giải pháp EDI, giải pháp này giúp cắt giảm chi phí và thời gian cần thiết để xử lý đơn hàng trên tất cả các kênh bán hàng. Ví dụ, nó giúp Lionel tập hợp nhiều đơn hàng để giao cho các đại lý và nhà bán sỉ, và giúp tạo ra các lô hàng mang nhãn hiệu Lionel cho các đơn hàng giao trực tiếp đến người tiêu dùng. “Thời điểm từ khi nhận được đơn đặt hàng đến lúc vận chuyển được rút ngắn lại,” Gemereth nói. “Công nghệ giúp chúng ta ở gần nhau hơn.”

Chuỗi Cung Ứng Số Hóa

Gemereth quan sát thấy rằng, công nghệ là chìa khóa đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Một yếu tố quan trọng là phần mềm cho phép các nhà quản lý chuỗi cung ứng quyết định cách mỗi sản phẩm nên được phân phối như thế nào một cách nhanh chóng và hợp lý. Sản phẩm nên được đưa đến trung tâm phân phối? Hay đến cửa hàng? Quan trọng hơn nữa là nên giao hàng cho khách càng nhanh càng tốt hay nên giao chậm hơn nhưng tiết kiệm? “Bạn cần có dữ liệu để đưa ra quyết định,” Hanks nói.

Việc số hóa chuỗi cung ứng cũng cần có công nghệ có thể cung cấp khả năng hiển thị để tất cả các bên tham gia vào quy trình giao hàng –đơn vị vận chuyển, công ty đóng gói, nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba, và những đơn vị khác – biết được vai trò của họ. Ví dụ, một nhà cung cấp làm việc với một công ty đóng gói cần biết những đơn hàng của mình được chuẩn bị và đóng gói đúng cách. Nhà cung cấp cũng cần biết những sản phẩm nào đang được bán và số lượng bao nhiêu.

Robot có thể đảm nhận vai trò lớn hơn trong các kho thương mại điện tử, Mendence nói. So với các công nghệ khác thì robot có khả năng lấy hàng để vận chuyển trong ngày hiệu quả nhất.

Vì ảnh hưởng của thương mại điện tử đang ngày càng mở rộng và tăng cường, các nhà quản lý chuỗi cung ứng sẽ cần thời gian để đánh giá lại hoạt động của họ và biết được hoạt động nào cần được cải thiện.

“Thật khó để nhìn lại và hỏi rằng, ‘chúng ta có thể làm gì tốt hơn và tác động của quy trình chuỗi cung ứng hiệu quả hơn là gì?’” Graham thừa nhận. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không đặt ra những câu hỏi này thường có nguy cơ sẽ không thành công.

(Nguồn: Inbound logistics)

Dịch bởi: https://logisticsinvietnam.vn/


Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn thêm theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY TNHH EIMSKIP VIỆT NAM

Địa chỉ: Số 36 Bùi Thị Xuân, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM

Hotline: 028 6264 63 80

Email: info@eimskip.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *