Công Ước CITES Là Gì?

Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài Động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora hay CITES) là một công ước chung ràng buộc các quốc gia tham gia kí kết về việc buôn bán động, thực vật hoang dã. Công ước CITES được kí kết tại Washington vào ngày 3 tháng 3 năm 1973 dưới sự đại diện của 80 quốc gia và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1975. Tính đến tháng 10 năm 2016, công ước CITES có tổng cộng 182 thành viên tham gia kí kết gồm 181 quốc gia và Liên minh Châu Âu. Ngày 3 tháng 3 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày động, thực vật hoang dã thế giới.

Hàng năm, giá trị buôn bán động vật hoang dã quốc tế ước tính trị giá hàng tỷ USD và bao gồm hàng trăm triệu mẫu động vật và thực vật. Hoạt động thương mại này rất đa dạng từ động/thực vật sống cho đến một loạt các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc từ chúng, bao gồm sản phẩm thực phẩm, các sản phẩm da, nhạc cụ bằng gỗ, gỗ, thuốc men. Mức độ khai thác ngày càng tăng các loại động/thực vật phục vụ nhu cầu thương mại bất hợp pháp cùng với các yếu tố khác như mất môi trường sinh sống có khả năng làm suy giảm số lượng và gây nguy cơ tuyệt chúng. Nhiều loại động vật hoang dã sử dụng cho việc thương mại không bị đe dọa nhưng sự tồn tại của thỏa thuận này nhằm đảm bảo tính bền vững của thương mại là quan trọng và để bao vệ các nguồn tài nguyên này cho tương lai.

Bởi vì hoạt động buôn bán động/thực vật vượt qua biên giới các quốc gia, nỗ lực điều chỉnh nó yêu cầu phải có sự hợp tác quốc tế để bảo vệ một số loài khỏi bị khai thác quá mức. Công ước CITES được hình thành theo tinh thần hợp tác này. Ngày nay, nó điều chỉnh các mức độ bảo vệ khác nhau của hơn 35,000 loài động/thực vật cho dù chúng được buôn bán như mẫu vật sống, áo lông thú hay thảo dược khô.

Tổng quan về công ước CITES

Công ước CITES bảo vệ rất nhiều loài động, thực vật nhằm đảm bảo rằng sự sống của chúng không bị đe dọa bởi các nhu cầu thương mại. Công ước CITES qui định việc buôn bán thương mại các loại động vật có nguy cấp như rùa biển hay voi là bất hợp pháp. Một số loài động vật dưới sự bảo vệ được cho phép buôn bán thương mại nếu được nuôi trồng hoặc đánh bắt hợp pháp trong hoang dã. Để có thể vận chuyển những loài động vật này, người bán phải có các chứng từ nhất định và giấy phép mô tả rõ ràng nguồn gốc và phương thức đánh bắt.

CITES liệt kê các loại động vật nguy cấp dưới  mức độ bảo vệ ở trong phụ lục I, II hoặc III  của công ước. Các kiểm soát gắt gao nhất được áp dụng cho các loài thuộc danh mục trong phụ lục I và yêu cầu phải có các giấy phép đặc biệt cho việc xuất nhập khẩu. Phụ lục II và III yêu cầu các giấy phép và chứng từ xuất xứ nhưng có thể không phải kiểm tra tỉ mỉ như những yêu cầu trong phụ lục I.

Các sản phẩm bao gồm các loại được bảo vệ bởi công ước CITES phổ biến là giày, ví làm từ một số loại cá sấu như cá sấu Caiman, cá sấu mõm ngắn hoặc trăn.

Quá trình thông quan hàng hóa sẽ khắt khe hơn và có thể kéo dài hơn đối với bất cứ sản phẩm nào bao gồm các loài được bảo vệ bởi công ước CITES.

Nếu xuất xứ của các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật không được khai báo rõ ràng thì hải quan sẽ thu giữ hàng hóa. Đã có rất nhiều trường hợp vi phạm các qui định của CITES và bị từ chối gia hạn giấy phép nhập khẩu hoặc thậm chứ bị đưa vào danh sách cấm nhập khẩu động vật và các sản phẩm của chúng. Vì thế để chắc chắn rằng bạn có thể thông quan hàng hóa một cách thuận lợi, hãy chuẩn bị đầy đủ và đúng các giấy tờ cần thiết, khai báo chính xác và tuân thủ theo đúng các qui định của CITES nhằm đảm bảo việc truy xuất hợp pháp nguồn gốc của các sản phẩm và nguyên liệu làm ra chúng.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 121 của CITES vào ngày 20/01/1994. Để thực hiện CITES Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Để tìm hiểu thêm thông tin hãy truy cập vào  http://www.cites.org/


Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn thêm theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY TNHH EIMSKIP VIỆT NAM

Địa chỉ: Số 36 Bùi Thị Xuân, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM

Hotline: 028 6264 63 80

Email: info@eimskip.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *